Điện thoại: 0902 658 677
Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 (Thứ 2 - CN)
CHA ĐẺ CỦA QR CODE

CHA ĐẺ CỦA QR CODE

02/11/2022

 


Đại dịch Covid-19 tạo một cú hích lớn cho sự phát triển của mã QR (QR code). Sự phổ biến của phát minh này là giải pháp lý tưởng giúp người dân tuân thủ các quy định về y tế trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp thế giới. Người phát minh ra mã QR là ông Masahiro Hara, 64 tuổi, người Nhật Bản, kỹ sư trưởng của công ty sản xuất linh kiện ô tô Denso Wave, công ty con của Tập đoàn Toyota.



Ý tưởng từ môn cờ vây


Trước khi mã QR xuất hiện, mã vạch (barcode) đã được sử dụng trong các siêu thị từ năm 1974. Barcode hay còn gọi “mã UPC một chiều” do hai nhà sáng chế người Mỹ Norman Joseph Woodland và Bernard Silver phát triển từ khi họ còn là sinh viên. Mã vạch này tập hợp nhiều vạch có độ đậm khác nhau trên bao bì sản phẩm. Với máy quét thích hợp, mã vạch cho phép người ta có thể đọc giá cả và thông tin về sản phẩm chỉ trong vài giây. Tuy nhiên, hạn chế của mã vạch là chỉ chứa được 20 ký tự chữ và số, do đó đến một thời điểm sẽ không còn đủ mã vạch cho cả thế giới sử dụng.

mã barcode



Tại Công ty Denso Wave, hằng ngày nhân viên phải cầm máy quét đọc mã vạch trên linh kiện ô tô. Công việc lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày đã có lúc khiến nhân viên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Để cải thiện tình hình, lãnh đạo công ty giao kỹ sư trẻ Masahiro Hara nhanh chóng tìm ra một loại mã mới cho phép quét linh kiện ô tô với tốc độ cao. Tính đến thời điểm đó, Hara đầu quân về Công ty Denso Wave cũng đã khá lâu. Kỹ sư Hara chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc 10 năm với mã vạch. Thực sự là khá mệt mỏi khi phải cầm máy quét đọc mã vạch cho hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày. Điều này dẫn tới chất lượng công việc kém hiệu quả”.

Để thực hiện nhiệm vụ mà lãnh đạo công ty giao, hằng ngày, anh Hara-khi đó mới ngoài 30 tuổi-cùng các cộng sự mày mò nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp dựa trên các loại mã vạch có sẵn để giải quyết hai nhược điểm lớn: Tốc độ quét và dung lượng chứa. Năm 1994, Hara đã phát minh mã QR (Quick Response-nghĩa là “đáp ứng nhanh” và còn được gọi là mã hai chiều) đáp ứng đúng tiêu chí đề ra. Mã QR được đặt tên vào ngày 8-8-1994, đúng ngày sinh nhật lần thứ 37 của kỹ sư Hara.



Nguồn cảm hứng dẫn tới phát minh này được Masahiro Hara giải thích là xuất phát từ sở thích chơi game cờ vây. “Tôi thường chơi game vào giờ nghỉ trưa. Một ngày, trong khi sắp xếp các quân cờ đen-trắng, tôi nhận ra rằng đây có thể là cách truyền tải thông tin tốc độ lớn và dung lượng cao. Một khoảnh khắc “Eureka” (Tìm ra rồi)!”, kỹ sư Hara chia sẻ.


Một lần khác, trong khi đi dạo, Hara nhìn lên bãi đáp của máy bay trực thăng trên nóc một tòa nhà cao tầng. Ý tưởng về hoa văn định vị ở ba góc hình vuông xuất hiện trong đầu, giúp anh hoàn thiện về mô hình mã QR mà anh ấp ủ từ lâu.

Mã QR ra đời được tạo thành từ nhiều ô vuông đen trên nền trắng. Không giống như mã vạch UPC, mã QR chứa đến 7.000 ký tự chữ và số, thậm chí cả những ký hiệu, chữ tượng hình của tiếng Nhật, Trung và Hàn. Mã QR có thể quét từ trên xuống dưới hoặc từ trái qua phải, giúp nâng tốc độ quét mã vạch nhanh hơn trước tới 100 lần. Không những thế, dù người sử dụng che đi một phần nhỏ (trừ 3 ô định vị ở 3 góc) của mã QR thì máy cũng có thể quét chính xác.

cấu tạo của QR code

Phát minh về mã QR trở thành cơ sở cho sự ra đời của doanh nghiệp Spinoff Denso Wave từ công ty mẹ Denso Wave. Mặc dù là người phát minh mã QR, nhưng kỹ sư Masahiro Hara “không muốn chiếm ánh đèn sân khấu”, như tờ nippon.com từng nhận xét. Ông nói: “Sẽ thật tuyệt nếu nhiều người biết đến công ty của chúng tôi hơn là bản thân tôi”. Đó là lý do vì sao lý lịch của Masahiro Hara được giữ kín, ngoài việc tên ông được gắn liền với từ “cha đẻ” của mã QR.

Mặc dù được bảo vệ bởi bằng sáng chế nhưng việc ứng dụng và tạo mã QR đều được Công ty Denso Wave cung cấp miễn phí. Bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng có thể đọc mã và tạo ra mã QR. Theo đại diện của Công ty Denso Wave, việc công khai bằng sáng chế mã QR nhằm khuyến khích các công ty khác tiếp tục phát triển công nghệ này. Lợi nhuận thu được từ phát minh trên của Denso Wave dựa vào việc phát triển và phân phối thiết bị đọc mã QR.


Với việc cung cấp miễn phí, mã QR được sử dụng phổ biến trong hoạt động quản lý kho hàng tại nhà máy và hồ sơ bệnh nhân tại bệnh viện hay trong hoạt động theo dõi các mẫu sinh học, quảng bá sản phẩm. Sau khi quét mã, người dùng sẽ được kết nối ngay với một trang mạng, một vị trí cụ thể, hoặc một tin nhắn SMS liên quan. Nhờ vậy, độ phủ sóng của phát minh nhanh chóng được người dân đón nhận. Năm 2000-năm mã QR nhận được chứng nhận ISO, công nghệ này bắt đầu xâm nhập vào cuộc sống thường nhật ở Nhật Bản, đầu tiên là trên phiếu cược tại các cuộc đua ngựa. Kỹ sư Hara nhớ lại cảm giác tự hào mỗi khi nhìn thấy những phiếu cá cược in mã QR mà những người thua cuộc vứt bỏ trên đường phố.

Với phát minh về mã QR, kỹ sư Hara và các cộng sự đã nhận giải thưởng “Nhà sáng chế châu Âu” 2014. Đây là giải thưởng hằng năm do Cơ quan Sáng chế châu Âu trao tặng nhằm tuyên dương những nhà sáng chế xuất sắc nhất thế giới. Trước đó, ông Hara cũng được Tạp chí Kinh doanh Nikkei tặng giải thưởng “Xuất sắc” vào năm 2007 và Viện Khuyến khích Thiết kế công nghiệp Nhật Bản tặng giải thưởng “Thiết kế” vào năm 2012.

Bước ngoặt nhờ điện thoại thông minh

Tuy nhiên, con đường thành công của mã QR cũng gặp một số trở ngại. Một số người bày tỏ quan ngại “mã QR sẽ sớm xâm chiếm cuộc sống hằng ngày của con người”. Họ lo sợ rằng, mã QR sẽ bị lạm dụng ở các cửa hàng hay trong bảo tàng. Về phía người dùng, mã QR chưa thực sự hấp dẫn do người tiêu dùng bị yêu cầu phải tải xuống một ứng dụng riêng để quét mã. Hơn thế, khi đó kết nối giữa các điện thoại còn chậm, các liên kết mạng mà mã QR gửi đến không thực sự hữu ích...


 
Sự bùng nổ của điện thoại thông minh (smartphone) được trang bị camera vào đầu thập niên 2010 trở thành bước ngoặt của mã QR và tạo ra cuộc cách mạng của con người khi mua sắm, đi du lịch hay truy cập các trang web. Chỉ cần cài ứng dụng mã QR trên smartphone, người sử dụng có thể quét mã để truy cập các trang web và nhận phiếu giảm giá. Thống kê của nippon.com cho thấy, có từ 60 đến 80% điện thoại trên thế giới được cài mã QR với khả năng xử lý thông tin nhanh gấp nhiều lần so với mã vạch tiêu chuẩn.

Trung Quốc là đất nước có số lượng người sử dụng smartphone cài mã QR nhiều nhất trên thế giới. Với mã QR, quốc gia tỷ dân này đã thực hiện việc tiêu dùng không sử dụng tiền mặt khá thành công. “Tôi rất ngạc nhiên khi mã QR được sử dụng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc hiệu quả đến như vậy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mã QR sẽ được sử dụng như một hình thức kiếm tiền", ông Hara chia sẻ.

Cho đến nay, mã QR đã trở nên quen thuộc và chứng minh tính hữu dụng với hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gần hai năm qua. Mã QR hỗ trợ việc tuân thủ các quy định bảo vệ sức khỏe bằng cách giúp người dân tiếp cận dữ liệu từ xa và giảm đến mức thấp nhất việc chạm vào bề mặt đồ vật, từ đó ngăn sự tán phát của virus SARS-CoV-2.


Sau những ngày phong tỏa và giãn cách xã hội, các nhà hàng và quán cà phê lần lượt mở cửa trở lại ở nhiều nước châu Âu. Trên tấm menu dán trên tường có đính kèm mã QR, thực khách có thể yêu cầu món ăn và thanh toán ngay mà không cần giao tiếp với nhân viên phục vụ. Một số quốc gia như Anh đã sử dụng mã QR để theo dõi các trường hợp tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Tại Pháp, ứng dụng “StopCovid” được khởi động với phiên bản mới, khuyến khích người dùng quét mã QR khi phát hiện mình dương tính với Covid-19. Nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu mã QR để cấp “giấy chứng nhận y tế” nhằm khôi phục hoạt động du lịch quốc tế sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi. “Trở lại năm 1994, chúng tôi tập trung sử dụng mã QR trong việc phát triển kinh tế. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, mã QR sẽ được sử dụng để bảo vệ sức khỏe con người như hiện nay”, ông Hara tự hào.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng biết về mã QR nhiều nhất trong các hoạt động giao tiếp xã hội. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mã QR đã được sử dụng rộng rãi hơn, từ khai báo y tế đến các dịch vụ thanh toán di động như Momo, ZaloPay... Với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, lọt vào nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử, chỉ số dữ liệu mở. Trong chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR, tiến tới đều có điện thoại thông minh vào năm 2025. Theo báo cáo của Appota-công ty công nghệ giải trí Việt Nam, nước ta hiện có hơn 70% dân số sở hữu smartphone.



Cho đến nay, mã QR đã chứng minh được tính hữu dụng trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể của Covid-19 đang lây lan toàn cầu. Hiện nay, Công ty Denso Wave đang tập trung phát triển mã iQR có định dạng hình chữ nhật tối giản nhưng với dung lượng bộ nhớ lớn hơn mã QR với mục tiêu giúp tốc độ giải mã nhanh hơn. Và đó là công việc mà kỹ sư Masahito Hara và các cộng sự đang tiếp tục theo đuổi.